Bác sĩ Nhi cảnh báo về phương pháp giáo dục để mặc con khóc

"Phương pháp để mặc trẻ khóc sẽ rất phản khoa học khi cha mẹ đang vô tình biến giai đoạn vàng này của trẻ thành quãng thời gian đen tối và đầy sợ hãi" - chuyên gia tư vấn về trẻ sơ sinh Bệnh viện Hoàng gia Royal (Úc) nhấn mạnh.

Các cha mẹ có con nhỏ chắc hẳn đã từng nghe đến phương pháp để trẻ tự khóc (Cry it out) với mục đích giúp con ngoan ngoãn, tự lập và có thể tự “dỗ” mình đi vào giấc ngủ mà không cần sự can thiệp của cha mẹ. Hoặc để mặc trẻ khóc chỉ đơn giản là khi trẻ quấy khóc quá lâu, trẻ khóc dai khiến bố mẹ mệt mỏi và bất lực nên đành buông tay mặc kệ với suy nghĩ khóc mãi rồi cũng phải nín thôi.

Tuy nhiên, rất nhiều bác sĩ nhi khoa, các chuyên gia về chăm sóc trẻ em uy tín trên thế giới đã bày tỏ quan điểm không đồng tình, thậm chí phản đối phương pháp này bởi những tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như những ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển toàn diện của trẻ sau này. Gần đây, bác sĩ Nguyễn Thu Hằng – bác sĩ người Việt hiện đang làm việc trong lĩnh vực Tâm lý học tại Pháp, cũng đã có một bài viết chi tiết chỉ ra hàng loạt lý do cha mẹ không nên để mặc con khóc mà không dỗ trong quá trình luyện ngủ cho con.

Bác sỹ Margot Sunderland, Giám đốc Khoa Giáo dục – Đào tạo tại Trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm lí trẻ em tại London (Anh) cho biết bộ não của trẻ sơ sinh vẫn chưa phát triển đầy đủ, cực kì mong manh và dễ bị tổn thương. Sau khi chào đời, các tế bào thần kinh còn phải tiếp tục hành trình di chuyển về đúng vị trí. Và quá trình này rất dễ bị ảnh hưởng bởi stress khi mà bộ não bị căng thẳng, trẻ liên tục khó chịu, quấy khóc mà không được đáp ứng nhu cầu kịp thời. “Căng thẳng, khó chịu, liên tục quấy khóc trong những năm tháng đầu đời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống điều khiển cảm xúc, khả năng giữ bình tĩnh và tiết chế căng thẳng khi trẻ lớn lên sau này”, bà cho biết thêm.

Bác sĩ cũng nhấn mạnh rằng: “Bất cứ đứa trẻ khi tỏ thái độ khó chịu, quấy khóc rồi cũng sẽ phải ngừng. Nhưng chẳng có gì gọi là thành công khi bố mẹ để mặc con tự khóc rồi sau đó thấy trẻ tự nín. Đó chỉ quá trình “Phản kháng – Tuyệt vọng – Buông bỏ” mà thôi”.

Nhiều bác sĩ Nhi khoa lên tiếng cảnh báo việc để mặc trẻ khóc là cách rèn luyện và giáo dục cực nguy hiểm - Ảnh 1.

Khóc hay cười là cách giao tiếp duy nhất của trẻ sơ sinh và là cách để bé thu hút sự chú ý với cha mẹ (Ảnh minh họa)

Để mặc trẻ khóc tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất của trẻ

Bác sỹ Margot cho biết, ngoài việc gây hại cho sự phát triển não bộ, tác động không tốt tới tâm lý, hình thành tính cách thì tình trạng bộ não bị stress mỗi khi trẻ quấy khóc kéo dài còn gây ra những hậu quả tiêu cực với sức khỏe thể chất của trẻ, cụ thể như sau:

– Tăng huyết áp.

– Tăng áp suất não.

– Nhịp tim, hơi thở, nhiệt độ cơ thể không ổn định, có thể biến động theo chiều hướng xấu.

– Ức chế hệ thống miễn dịch và tiêu hóa.

– Ức chế hormone tăng trưởng.

– Ngưng thở đột ngột.

– Tạo áp lực cực mạnh lên tim, dẫn đến nhịp tim nhanh.

Nhiều bác sĩ Nhi khoa lên tiếng cảnh báo việc để mặc trẻ khóc là cách rèn luyện và giáo dục cực nguy hiểm - Ảnh 2.

Để mặc bé khóc có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới tâm sinh lý của trẻ (Ảnh minh họa)

Để mặc trẻ khóc và những ảnh hưởng đến tâm lý

Bác sĩ Howard Chilton, Chuyên gia tư vấn về trẻ sơ sinh tại Bệnh viện tư thục Prince of Wales và Bệnh viện Hoàng gia Royal tại Sydney (Úc), đồng thời là tác giả cuốn Baby on Board khẳng định việc để mặc trẻ khóc hoàn toàn không có ý nghĩa gì về mặt sinh học. Trong những tháng đầu đời, cơ thể bé phải bắt đầu quá trình phát triển để tiếp tục hoàn thiện bộ não. Và quá trình này rất cần tới cảm giác được yêu thương, nâng niu và che chở từ cha mẹ, bé cần có được cảm giác thế giới bên ngoài đáng tin cậy và an toàn như khi còn trong bụng mẹ.

“Do đó, phương pháp để mặc trẻ khóc sẽ rất phản khoa học khi cha mẹ đang vô tình biến giai đoạn vàng này của trẻ thành quãng thời gian đen tối và đầy sợ hãi, trẻ bị bỏ mặc mà không có ai vỗ về, dỗ dành, bảo vệ. Để mặc con khóc là đi ngược với bản năng làm cha mẹ tự nhiên vốn có”, bác sĩ nhấn mạnh về những ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ.

Nhiều bác sĩ Nhi khoa lên tiếng cảnh báo việc để mặc trẻ khóc là cách rèn luyện và giáo dục cực nguy hiểm - Ảnh 3.

Trẻ khóc có thể vì nhiều lí do như đói, khát, bị đau hoặc đơn giản chỉ là muốn được mẹ ẵm bế và vỗ về (Ảnh minh họa)

Trẻ tự nín khóc thực ra chỉ là sự bảo tồn năng lượng để duy trì sự sống

Thực tế, có nhiều cha mẹ khoe thành tích đã rèn con tự ngủ thành công sau một thời gian con khóc lóc kéo dài, mệt mỏi. Nhưng bà Helen Ball, Giáo sư – Trưởng khoa Nhân chủng học đồng thời là Giám đốc Phòng thử nghiệm giấc ngủ cho cha mẹ và trẻ sơ sinh tại Đại học Durham (Anh) thì cho rằng trẻ tự nín khóc thực ra chỉ là sự bảo tồn năng lượng để duy trì sự sống khi không được cha mẹ đáp ứng nhu cầu mà thôi.

Nhiều bác sĩ Nhi khoa lên tiếng cảnh báo việc để mặc trẻ khóc là cách rèn luyện và giáo dục cực nguy hiểm - Ảnh 4.

Nhiều bậc cha mẹ lầm tưởng việc trẻ quá mệt mỏi phải ngừng khóc và đi ngủ với việc rèn trẻ tự lập thành công (Ảnh minh họa)

Theo bà, khóc là phương tiện duy nhất để thu hút sự chú ý của cha mẹ, là cách giao tiếp duy nhất của bé. Tiếng khóc cũng giống như hành động tự vệ của trẻ, vì vậy việc cha mẹ phớt lờ tiếng khóc của con không phù hợp với bản năng sinh tồn tự nhiên và chỉ gây thêm căng thẳng cho cả mẹ và bé. Trẻ nhận ra không thể dùng tiếng khóc để thu hút cha mẹ được nữa và buộc phải ngừng khóc để bảo tồn năng lượng ít ỏi còn lại, hành động ngủ giống như việc một chiếc máy bị ngắt, phải ngừng hoạt động trong khi cha mẹ lầm tưởng rằng con đã đi vào nề nếp.

Để mặc con khóc và hậu quả là nguồn sữa mẹ cũng sụt giảm

Bà Renee Kam, chuyên gia tư vấn được chứng nhận quốc tế về Nuôi con bằng Sữa mẹ cũng cảnh báo về việc để mặc trẻ khóc sẽ ảnh hưởng không tốt tới nguồn sữa mẹ. Bà cho biết: “Sữa mẹ được sản xuất, tiết ra dựa trên nhu cầu bú của trẻ. Trẻ càng được cho bú mẹ ít thì cơ thể mẹ càng ít được kích thích để tiết thêm sữa. Khi bé thức dậy và quấy khóc giữa đêm để đòi bú mẹ nhưng lại không được mẹ đáp ứng và bỏ mặc thì hậu quả tất yếu là lượng sữa mẹ cũng sụt giảm theo”.

Theo Afamily

Nguồn : bau.vn