Mẹo đơn giản để mẹ sẽ không còn căng thẳng khi con không tự giác làm bài tập về nhà

Bạn đã thử dỗ ngon ngọt, thử la mắng, hù dọa, thậm chí cả đánh nhưng thái độ tích cực và tự giác vẫn không hơn là bao. Hãy cùng nghiệm ra 3 điều và 5 thủ thuật giúp cải thiện tình hình này nhé!

Vấn đề được xem là khó khăn không kém việc cho trẻ nhỏ chịu ăn là làm thế nào để con tự giác học và làm bài ở nhà. Bạn đã thử dỗ ngon ngọt, thử la mắng, hù dọa, thậm chí cả đánh nhưng thái độ tích cực và tự giác vẫn không hơn là bao. Hãy cùng  nghiệm ra 3 điều và 5 thủ thuật giúp cải thiện tình hình này nhé!

Điều 1: Hầu hết trẻ em đều ghét làm bài tập về nhà

Trẻ con không thích phải về nhà và ngồi vào bàn làm bài sau cả một ngày đã làm việc đó trên trường lớp, nhất là với những trẻ hiếu động. Vì vậy hãy từ bỏ mong muốn con bạn sẽ bỗng dưng thích “làm bài tập về nhà” một cách vô điều kiện, thay vào đó hãy tìm hiểu phương pháp để bé tự giác làm điều này.

Điều 2: Bố mẹ không thể ép buộc con học

Bạn không thể bắt bọn trẻ học hay bắt chúng tỏ thái độ hợp tác trong việc này. Và nếu bạn không thể ép buộc, hãy ở bên hỗ trợ, tư vấn cho con, hãy có những ý tưởng hay ho cho việc học ở nhà để mời gọi và khuyến khích con làm theo.

Bạn đừng nên ép buộc trẻ học bài. Kết quả sẽ không như bạn muốn đâu (Ảnh: Inmagine)

Điều 3: Làm bài tập về nhà là vấn đề của con bạn

Bạn nhớ nhé, việc học không phải là vấn đề của cha mẹ, mà chính là của con cái. Đừng tạo áp lực cho con bằng việc đưa ra những tối hậu thư, la hét hay đánh mắng – chúng chỉ khiến con bạn sợ hãi, thấy bất lực và ngày càng chán ghét việc học. Trách nhiệm của bạn là tạo ra môi trường học tập phù hợp với con, cung cấp cho con những thiết bị, công cụ cần thiết và hỗ trợ chúng khi có khó khăn.

Còn sau đây là 5 cách giúp bạn có thể cải thiện tình hình “ngán” học ở nhà của con. Hãy vận dụng chúng với sự kiên nhẫn, tình yêu để có thể kiềm chế cơn nóng giận.

Loại bỏ cụm từ “bài tập về nhà” ra khỏi vốn từ của bạn với con

Trẻ khá nhạy cảm và thấy “ngán” với cụm từ đó, hãy thay thế chúng bằng những từ ngữ thú vị hơn. Thay vì “làm bài tập về nhà”, bạn hãy nói với con đã đến giờ để “khám phá thế giới” hay “nghiên cứu khoa học”, hoặc cho có vẻ “người lớn” bạn cũng có thể nói đến giờ “làm việc” của con rồi. Chúng sẽ cảm thấy việc học nhẹ nhàng và có phần thú vị với những trò chơi hay ho. Nếu con bạn vẫn từ chối bằng cách báo rằng không có bài tập nào về nhà, bạn nên nghiên cứu kỹ thời gian biểu của ngày học trước và ngày hôm sau, rồi cho con luyện tập với những gì đã học.

Thảo luận về bài vở với con một cách bình đẳng và thoải mái

Vào mỗi đầu hoặc cuối học kỳ, như một người bạn, bạn nên ngồi lại trò chuyện và bàn bạc với con về những vấn đề gặp phải khi học. Trao đổi trực tiếp cùng con trong giờ học ở nhà sẽ giúp bé phát triển tư duy, khả năng giao tiếp cũng như khả năng thuyết trình. Bạn cũng sẽ dễ dàng nhận ra được đâu là điểm yếu để hỗ trợ con, hoặc đâu là điểm mạnh để khen ngợi và cổ vũ tinh thần con mình. Tránh so sánh con với những đứa trẻ khác, hoặc so sánh với thời điểm ngày xưa của cha mẹ, bé sẽ cảm thấy không được nhìn nhận đúng và mất đi tinh thần ham học hỏi.

Tập thói quen tìm – hiểu khi học

Hãy tạo cho con thói quen nghiên cứu, tìm hiểu những thông tin đã được dạy ngay trong giờ học ở nhà. Lâu dần thói quen này sẽ trở thành một phần quan trọng trong cách tư duy cũng như làm việc của bé. Việc tìm hiểu kiến thức kỹ càng một cách có khoa học giúp trẻ sắp xếp được những gì được dạy, bổ sung phần còn thiếu.

Để con bạn chịu trách nhiệm với kết quả học tập

Tâm lý con trẻ sẽ sợ giáo viên hơn khi đến trường, vì thế nếu con bạn không chịu làm bài tập, hãy để chúng “đối mặt” với điểm số hay hình phạt vào ngày mai từ thầy cô giáo. Sau đó bạn hẵng tỏ thái độ nghiêm túc với con với kết quả tệ này. Từ áp lực hai chiều, con sẽ sớm có ý thức làm bài về nhà thôi.

Việc học là của con bạn, hãy để bé tự chịu trách nhiệm với kết quả học tập của mình (Ảnh: Inmagine)

Hãy thu mình “bé” lại và cùng hướng dẫn con làm bài tập

Sẽ thú vị và dễ hòa nhập cùng con hơn khi bạn “giả vờ” cũng cần làm bài tập. Buổi học có người bạn lớn đồng hành sẽ làm con thấy thích thú và có tinh thần tham gia hơn là bạn khoanh tay ngồi cạnh và nhìn chằm chằm vào bài vở con làm. Tất nhiên bạn sẽ không phải làm bài tập mà tận dụng thời gian ấy để tìm hiểu sổ sách chi tiêu, hoặc nghiên cứu cách làm bánh táo cho ngày cuối tuần.

Nguồn : bau.vn