Bố mẹ nên quan tâm để phát hiện kịp thời chứng rỗi nhiễu tâm lý ở trẻ

Để hiểu thêm về các đặc điểm, cách điều trị cũng như phương pháp phòng ngừa một số rối nhiễu phổ biến ở trẻ, ba mẹ có thể tham khảo bài viết sau.

Rối nhiễu tâm lý ở trẻ em là tình trạng trẻ có những bất ổn kéo dài trong tâm lý, đồng thời, kéo theo những khó khăn trong hoạt động của hệ thần kinh, cũng như hoạt động thể chất hàng ngày. Để hiểu thêm về các đặc điểm, cách điều trị cũng như phương pháp phòng ngừa một số rối nhiễu phổ biến ở trẻ, ba mẹ có thể tham khảo bài viết sau.

1. Sơ lược về rối nhiễu tâm lý ở trẻ em

Tự kỉ là một dạng rối nhiễu tâm lý ở trẻ em – Ảnh Internet

Theo kết quả nghiên cứu tổng quát và thực hành trên trẻ em từ năm 1991 đến nay, trẻ Việt Nam thường có một trong những biểu hiện thuộc các nhóm rối nhiễu tâm lý ở các mức độ khác nhau, cần được phát hiện kịp thời và can thiệp đặc biệt. Các nhóm rối nhiễu – hoặc rối loạn – tâm lý ở trẻ em bao gồm:

1.1. Nhóm rối nhiễu nhân cách

Hội chứng tự kỷ

Thiếu sót trong những kỹ năng tương tác xã hội: Trẻ thu mình, ngại tiếp xúc với những người xung quanh; Trẻ thường chơi một mình, không đòi hỏi, không la hét khóc lóc.

Vấn đề ngôn ngữ giao tiếp: Trẻ không chịu nói hoặc chỉ nói được vài từ rời rạc khi đã đến tuổi biết nói; Hay trước đây trẻ đã từng biết nói nhưng tự nhiên không nói nữa; Trẻ nói quá nhiều nhưng không biết trả lời mà chỉ nhắc lại lời của người khác.

Rối loạn hành vi: Trẻ có những hành vi định hình, lặp đi lặp lại.

Lo âu, trầm cảm

Sợ trường học, sợ đám đông, sợ vật lạ, bóng tối, sợ độ cao, sợ nước, sợ đi xe máy/ô tô,…

Ám ảnh; nhút nhát, không tự tin trong các hoạt động;

Ức chế, không chịu vận động, thường có vẻ ngoài “hiền lành”, luôn luôn “nhường nhịn” bạn bè;

Các biểu hiện suy nhược, uể oải kéo dài, hay giật mình, hay cáu kỉnh, suy giảm ý chí, nghị lực, biểu hiện lười biếng;

Ức chế, ngại giao tiếp, dễ tự ái; mưu toan tự sát;

Mút tay, cắn móng tay, nhổ tóc, hay vê vạt áo, hay rửa tay, rửa mặt, nghịch phân;

Các biểu hiện kiêu căng, kiêu ngạo, tự cao tự đại, hoang phí (phung phí của cải trong khi không cần thiết).

1.2. Nhóm rối nhiễu hành vi

Trẻ rối loạn tăng động kém chú ý có thể gây tổn thương người khác – Ảnh Internet

Hiếu động quá mức, hay chạy nhảy la hét, quá nghịch, không có cảm giác nguy hiểm;

Các biểu hiện không vâng lời, chống đối, ngoan cố, hay nói tục…;

Hung tính, hay đánh bạn, hành vi hung hãn, không hòa nhập được trong môi trường học đường;

Ăn cắp (tiền, đồ vật), nói dối, bỏ nhà, trốn học, đánh bạc, thường xuyên vi phạm nội quy nhà trường…

1.3. Nhóm rối nhiễu tâm thể

Rối nhiễu giấc ngủ: khó ngủ, mất ngủ, hay thức giấc giữa đêm, ác mộng, ngủ nhiều, lạm dụng thuốc ngủ,…

Rối nhiễu bài tiết: đái dầm, ỉa đùn,…

Rối nhiễu tiêu hóa: biếng ăn, chán ăn, ăn nhiều quá mức,…đi kèm các biểu hiện sút cân, tăng cân, béo phì,…

Những hành vi lặp đi lặp lại (tic): nháy mắt, lắc đầu, giật ngón tay, hay khụt khịt mũi,…

1.4. Nhóm rối nhiễu về học tập

Trẻ không hứng thú học tập – Ảnh Internet

Vụng đọc, vụng viết;

Khả năng tập trung, chú ý giảm hoặc kém;

Chán học, không hứng thú trong học tập, không chấp hành nội quy học tập,…;

Học sút, học kém.

1.5. Nhóm rối nhiễu ngôn ngữ

Nói ngọng, nói lắp;

Nói không rõ lời, nói khó khăn, thường hay nói thầm hoặc nói quá nhỏ;

Chậm nói so với lứa tuổi;

Nói ngược (đảo chủ ngữ).

1.6. Nhóm rối nhiễu về giới tính

Tự kích dục, thủ dâm;

Ứng xử như người khác giới;

Khó khăn trong ứng xử với người khác giới;

Không phân biệt được giới tính của mình.

2. Cách điều trị một số rối nhiễu tâm lý phổ biến ở trẻ em

2.1. Điều trị trẻ tự kỷ

Trẻ tự kỉ cần được can thiệp điều trị cá nhân – Ảnh Internet

Can thiệp và điều trị tự kỷ cho trẻ là một quá trình toàn diện, lâu dài, cần có sự tham gia của mọi thành viên liên quan đến trẻ: cha mẹ, giáo viên và các chuyên gia. Trẻ cần được can thiệp từ nhiều lĩnh vực như: tự chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ, giáo dục và uốn nắn, hỗ trợ các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.

Giáo dục hành vi: Nguyên tắc của phương pháp can thiệp này là xây dựng những hành vi có lợi về mặt xã hội, và hạn chế những hành vi gây bất lợi của trẻ. Mọi kỹ năng của trẻ (xã hội, giao tiếp,tự chăm sóc,…) được chia thành những bước nhỏ để dạy theo hình thức một kèm một với các kỹ thuật đặc biệt.

Ngôn ngữ trị liệu: Dạy trẻ tự kỷ giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng, vì đây là phương tiện giúp trẻ bộc lộ nhu cầu, hạn chế được hành vi xấu, tăng cường kỹ năng xã hội của trẻ. Tùy mức độ phát triển về trí tuệ, khả năng của trẻ, các chuyên gia ngôn ngữ có thể dạy trẻ giao tiếp bằng lời nói, bằng cử chỉ, hoặc bằng hình vẽ với hình thức một kèm một. Kết quả huấn luyện giao tiếp phụ thuộc nhiều vào sự tham gia của cha mẹ, thời điểm bắt đầu sớm hay muộn, mức độ phát triển trí tuệ và các kỹ năng khác của trẻ.

Can thiệp qua các giác quan: Hầu hết trẻ tự kỷ đều có vấn đề về giác quan, như quá nhạy cảm hoặc không phản ứng với các kích thích từ môi trường xung quanh. Việc tăng cường nhận thức giác quan của trẻ chủ yếu nhằm vào hoạt động các cảm giác: tiền đình (về vận động và thăng bằng), xúc giác (cảm giác sờ chạm) và cảm thụ bản thể (cảm giác về vị trí thân thể trong không gian). Những kích thích này được thực hiện hằng ngày vào một số thời điểm nhất định, dưới dạng các động tác mát-xa nhẹ nhàng dọc theo phần thân thể của trẻ; dạy trẻ những bài tập hoặc các hoạt động vui chơi, đi cầu thăng bằng, ngồi xích đu,…Sau khi thích nghi với các hoạt động này, hầu hết trẻ đều tiếp nhận kích thích một cách dễ dàng, thích thú.

2.2. Điều trị trẻ tăng động kém chú ý

Cho trẻ tăng động rèn khả năng tập trung chú ý – Ảnh Internet

Trẻ tăng động kém chú ý cần được điều trị trên các phương diện sau:

Điều trị hành vi

Kỹ thuật này nhằm giảm thiểu hành vi gây rối của trẻ, bằng cách chú ý đến những đáp ứng tích cực và loại bỏ đi những đáp ứng tiêu cực. 

Giáo dục

Trẻ được sắp xếp chỗ ngồi đặc biệt trong lớp để nhằm giảm đi sự xao nhãng, được khuyến khích phát triển những điểm mạnh và khả năng của bản thân.

Nếu trí thông minh trẻ ở mức bình thường, thành tích học tập kém, thì cần phải đánh giá xem trẻ có khó khăn về mặt nào, từ đó, lựa chọn cho con học thêm giờ cá nhân hoặc lớp học can thiệp đặc biệt.

Trao đổi thường xuyên giữa ba mẹ và thầy cô giáo nhằm thảo luận về những tiến bộ của trẻ.

Huấn luyện cho ba mẹ

Ba mẹ có trẻ tăng động kém chú ý có thể ứng dụng các giải pháp sau với trẻ:

Cải thiện sự vâng lời của trẻ đối với những yêu cầu của ba mẹ.

Tương tác tích cực và thân thiện giữa cha mẹ và trẻ.

Cho trẻ chơi độc lập.

Sử dụng phương pháp “giả lơ” – timeout – làm giảm hành vi không thích hợp của trẻ.

Xử lý khéo léo những hành vi tăng động của trẻ ở nơi công cộng.

2.3. Điều trị trẻ rối loạn lo âu

Cho trẻ thực hiện các bài tập thư giãn để giảm mức độ lo âu ở trẻ – Ảnh Internet

Chuyên viên tâm lý có thể áp dụng các hướng điều trị sau với trẻ có rối loạn lo âu:

Liệu pháp thư giãn: Trẻ có rối loạn lo âu sẽ được hướng dẫn những bài tập thả lỏng cơ thể kết hợp với tập thở, thư giãn.

Liệu pháp nhận thức – hành vi: Với trẻ lớn, các em sẽ được giáo dục ý thức rõ ràng về các nỗi sợ. Điều này giúp trẻ thay đổi thái độ đối với những nỗi lo sợ thái quá. Từ đó, trẻ sẽ nhận ra những suy nghĩ vô lý và thay thế bằng những suy nghĩ hợp lý hơn.

2.4. Điều trị trẻ trầm cảm

Với trẻ trầm cảm mức độ vừa và nặng, hướng điều trị tốt nhất là kết hợp liệu pháp tâm lý (ví dụ trị liệu nhận thức – hành vi) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, như Prozac hay Zoloft. Với trẻ trầm cảm mức độ nhẹ thì nên bắt đầu bằng liệu pháp tâm lý, chỉ dùng thuốc bổ sung nếu liệu pháp này không đủ hiệu quả.

Trong liệu pháp nhận thức – hành vi, trẻ trầm cảm được giải thích rằng, cách suy nghĩ của mỗi người có thể ảnh hưởng tới cảm xúc và hành vi của người đó. Những suy nghĩ tiêu cực sẽ dẫn tới các triệu chứng trầm cảm, lo âu. Ngoài ra, trẻ còn học cách nhận biết các dấu hiệu báo trước của suy nghĩ tiêu cực, từ đó, chuyển những suy nghĩ tiêu cực thành tích cực, mục đích để cảm thấy dễ chịu hơn, giảm bớt triệu chứng trầm cảm.

3. Phương pháp phòng ngừa rối nhiễu tâm lý ở trẻ em

Xây dựng môi trường sống lành mạnh – Ảnh Alexander Dummer

Phòng ngừa trong tâm bệnh học trẻ em được hiểu là những cách thức mà xã hội, người lớn dùng để ngăn ngừa, chống lại sự xuất hiện và phát triển của các triệu chứng rối nhiễu tâm lý ở trẻ em. Có ba mức độ phòng ngừa sau:

Mức thứ nhất

Giáo dục và xây dựng môi trường sống lành mạnh cho trẻ (gia đình, nhà trường), thiết lập chế độ dinh dưỡng, cách chăm sóc vệ sinh cơ thể và tâm trí. Điều này giúp giảm nguy cơ gặp phải rối loạn tâm lý ở trẻ em.

Mức thứ hai

Thông qua những chẩn đoán và can thiệp sớm các triệu chứng ban đầu, cố gắng làm hạn chế sự phát triển các rối nhiễu tâm lý ở trẻ em.

Mức thứ ba

Khi tâm bệnh đã phát triển, thì ngăn cản không cho bệnh nặng lên bằng các cách điều trị khoa học và hiệu quả. Đồng thời, phải thường xuyên theo dõi tiến triển của trẻ, để phòng ngừa sự tái phát của các triệu chứng gây rối nhiễu tâm lý. Việc này đòi hỏi sự can thiệp và hợp tác, đồng hành cùng nhau giữa các chuyên gia tâm lý và ba mẹ.

3.1. Vai trò của ba mẹ trong phòng ngừa rối nhiễu tâm lý ở trẻ em

Mối quan hệ tương tác giữa ba – mẹ – con đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển tâm lý của trẻ – Ảnh Internet

Gia đình giữ vai trò vô cùng quan trọng và mang tính quyết định đối với sự phát triển của trẻ em. Vì vậy, phòng ngừa từ gia đình là yếu tố tiên quyết. Theo đó, ba mẹ nên thực hiện các biện pháp sau:

Nâng cao hiểu biết về tâm bệnh trẻ em, bằng cách tìm hiểu các vấn đề có liên quan đến rối nhiễu tâm lí ở trẻ em qua các phương tiện thông tin đại chúng – như sách, báo, đài truyền hình, các trang web uy tín.

Người mẹ ngay khi biết mình có thai cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, để đảm bảo cho sự phát triển bình thường về mặt thể chất của thai nhi. Mẹ bầu tránh sử dụng thuốc tùy tiện, tránh dùng các chất có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Tránh những buồn khổ, lo âu, căng thẳng thái quá và kéo dài khi đang mang thai.

Có thái độ sẵn sàng đón nhận trẻ ngay từ khi trẻ chưa chào đời, nhất là khi trẻ ra đời, hay ngay cả khi tình trạng sức khỏe, hình dáng của trẻ không như mong đợi.

Khi trẻ ra đời, ba mẹ và gia đình tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể về mặt vật chất và môi trường sống. Đặc biệt quan trọng là người mẹ phải quan tâm đến con, yêu thương gắn bó và hết lòng vì con.

Mẹ bầu cần giữ thái độ lạc quan, tránh căng thẳng – Ảnh Omar Llopez

Thiết lập quan hệ tình cảm tốt giữa ba mẹ và trẻ, cả hai phải cùng yêu thương và chăm sóc con. Mối quan hệ tam giác ba – mẹ – trẻ đóng vai trò quyết định sự hình thành và phát triển tâm lý của trẻ sau này. Những đứa trẻ bị bỏ rơi, bị hành hạ thường khó có được sự phát triển bình thường, dễ phát triển các triệu chứng tâm bệnh.

Tránh xung đột lâu dài giữa ba mẹ và luôn tạo cho trẻ môi trường tâm lý – tình cảm hài hòa.

Trong chăm sóc và giáo dục trẻ, ba mẹ cần tránh thái độ độc đoán, chuyên quyền một cách cực đoan. Phải biết quan sát và lắng nghe các diễn biến, bộc lộ tâm lý của trẻ. Cố gắng thu xếp thời gian và công việc để chăm sóc trẻ, cùng vui chơi, trò chuyện, chia sẻ với con.

Luôn quan tâm để nhận biết sớm những bất thường trong tính cách và hành vi của con mình. Kịp thời đưa trẻ đến các chuyên gia tư vấn và điều trị thích hợp. Đồng thời, nên thường xuyên trao đổi với các giáo viên để nắm bắt tình hình của con ở trường.

Khi nhà chuyên môn xác định trẻ có biểu hiện rối loạn tâm lý, ba mẹ cần có thái độ bình tĩnh, kiên trì và kết hợp tốt với nhà chuyên môn để việc can thiệp, trị liệu cho trẻ có hiệu quả.

3.2. Vai trò của giáo viên trong phòng ngừa rối nhiễu tâm lý ở trẻ em

Cô giáo cần quan sát trẻ và trao đổi cách giáo dục với ba mẹ trẻ để có những biện pháp can thiệp kịp thời cho trẻ – Ảnh Internet

Giáo viên mầm non là những nhà giáo dục tiếp xúc sớm nhất với trẻ sau gia đình. Hiểu biết và ứng xử của giáo viên mầm non có ý nghĩa lớn đối với quá trình phát triển tâm lý ở trẻ. Do đó, giáo viên cần chủ động trao đổi với phụ huynh về các đặc điểm bất thường của trẻ và tư vấn phương pháp giáo dục, cách ứng xử phù hợp với trẻ. Để làm được việc này, giáo viên mầm non cần phải có kiến thức về tâm bệnh trẻ em, và thực hiện những cách sau để phát hiện các triệu chứng rối nhiễu tâm lý ở trẻ em:

Quan sát hành vi

Đặc điểm tâm lý của trẻ được thể hiện trong các hoạt động của các em. Do đó, giáo viên nên quan sát trẻ trong các hoạt động hàng ngày ở trường mầm non, chú ý đến đặc điểm hành vi và cảm xúc của trẻ, như trẻ không chịu biểu lộ khả năng giao tiếp, ngôn ngữ hay sự linh động của cơ thể,…Một đứa trẻ có rối nhiễu tâm lý chắc chắn có những hành vi không bình thường. Việc quan sát giúp nhận biết những hành vi này trong các hoạt động và sinh hoạt ở lớp mẫu giáo, từ đó, tìm biện pháp can thiệp phù hợp.

Cần phân biệt giữa bản sắc của trẻ với các triệu chứng tâm bệnh – Ảnh Aleksandr

Đối chứng hoạt động

Biện pháp này nghĩa là so sánh các hành vi, biểu hiện cảm xúc giữa trẻ này và trẻ khác cùng độ tuổi, thông qua cách thể hiện trong trò chơi, qua giao tiếp giữa các trẻ với nhau. Trẻ em cùng độ tuổi có những đặc điểm chung của lứa tuổi. Những trẻ có bất thường về tâm lý sẽ có những biểu hiện bất thường, đặc biệt về nhận thức, tình cảm, giao tiếp,… so với những trẻ khác cùng độ tuổi. Cần phân biệt những nét cá tính riêng của từng trẻ, bản sắc cá nhân của trẻ với những biểu hiện không bình thường, để tư vấn ba mẹ tìm cách can thiệp sớm, tránh hậu quả về sau.

Rối nhiễu tâm lý ở trẻ em bao gồm nhiều tình trạng rối loạn tâm trí khác nhau, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sự phát triển tâm lý của trẻ nếu không được can thiệp kịp thời, phù hợp. Vậy nên, tùy loại bệnh lý con đang mắc phải, ba mẹ nên có những phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng con khoa học và hợp lý, để con yêu phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.

Nguồn : bau.vn