Tết có bận tới đâu mẹ cũng không được cho con uống sữa thay cơm

Tết tưởng được nghỉ nhưng lại là lúc mẹ bù đầu với việc lo tết nhất từ nhà nội sang nhà ngoại rồi chúc tụng họ hàng, xóm giềng

Tết tưởng được nghỉ nhưng lại là lúc mẹ bù đầu với việc lo tết nhất từ nhà nội sang nhà ngoại rồi chúc tụng họ hàng, xóm giềng; con chắc chắn sẽ không được chăm chút như ngày nhàn rỗi. Nhiều bà mẹ tặc lưỡi cho con uống sữa nhiều hơn thay vì nấu cháo, bột. Lựa chọn này có phải là giải pháp an toàn?

Đó là câu chuyện của chị Thu Hồng. Chia sẻ trên một group dành cho các bà mẹ trẻ, chị Hồng viết: “Em bối rối quá các mẹ ạ. Chả là nhóc nhà em đang tập tành ăn cơm. Cháo thì con ăn tốt lắm rồi. Còn cơm thì em mới tập cho ăn được độ non tháng nay nên con vẫn ăn chậm lắm. Mấy ngày nay điên cuồng với việc họp hành, tổng kết cuối năm ở cơ quan. Rồi lại phải lo tết nội tết ngoại. Em chẳng còn thời gian nào cho con. Gần như hôm nào con cũng phải sang lớp đón muộn ở trường chờ mẹ về. 

Về nhà thì lại tất bật rửa rau kho thịt rồi giặt giũ, phơi phóng, dọn dẹp nhà cửa các kiểu các kiểu… Thế nên con hôm nào cũng ăn rõ muộn, quá bữa, nó cứ khóc nhặng lên. Có hôm em phải dí cho bình sữa, tu ti tạm chờ mẹ nấu cháo nấu cơm. Khi bưng ra thì con đã ngang dạ, chẳng buồn ăn haizza… Nghĩ tới cảnh tết nhất, em càng lo hơn. Đi thăm viếng chúc tụng họ hàng, rồi đón khách tới nhà, rồi dọn dẹp nọ kia… Khéo con bị mẹ vứt xó lúc nào chẳng hay.

Than với chồng thì chồng bảo anh cũng bận lắm, còn bao việc phải làm (mà lão ý bận thật các chị ạ, lão làm sales ở siêu thị điện máy mà, cuối năm người ta mua đông nên lão ý đi từ 8h sáng tới 10h tối luôn. Về là nằm thẳng cẳng bơ phờ í). Lão ý bảo em là thôi, mua loại sữa xịn xịn, nhiều chất cho con ăn tạm giai đoạn này. Chờ ra tết rồi lại chăm sóc, bồi bổ cho con sau. Em nghe cũng thấy hợp lý. 

Các mẹ thông thái khuyên em có nên làm thế không? Nhiều mẹ bảo ăn tạm cháo dinh dưỡng ngoài hàng, nhưng em nghe nói họ nấu cháo cho cái chất gì làm nhừ nhanh nên em cũng hoảng. Nếu cho con ăn sữa thay cơm trong giai đoạn này, các mẹ khuyên em nên chọn sữa gì cho bé? Em thì đang cho con dùng sữa Nhật các mẹ ạ“.

Có nên cho trẻ uống sữa thay cơm, cháo hay không? – Đây vẫn là thắc mắc chung của rất nhiều bà mẹ.

Cho trẻ uống sữa thay cơm được không không phải là thắc mắc của riêng chị Thu Hồng mà cũng là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, phần lớn các bậc cha mẹ đều nghĩ rằng sữa chính là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng rất tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Bởi trong thành phần sữa được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất protein, chất béo, canxi cùng nhiều vi dưỡng chất. Tuy nhiên, sữa dù rất tốt, có nhiều dưỡng chất nhưng vẫn không thể đáp ứng được hết những nhu cầu dinh dưỡng mà bé cần. Ngoài sữa thì chế độ dinh dưỡng khoa học được bổ sung từ các nguồn thực phẩm có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của trẻ.

Hậu quả khó lường từ việc uống sữa thay cơm

+ Béo phì hoặc suy dinh dưỡng: Có một sự thật là trẻ uống sữa nhiều, uống sữa thay ăn thường phát triển cân nặng tốt hơn hẳn so với những trẻ uống ít sữa. Nhưng không phải vì thế mà mẹ lại thúc giục con uống thật nhiều sữa để phát triển trí não, chiều cao. Nếu uống sữa quá nhiều, không kiểm soát thì trẻ sẽ có nguy cơ bị béo phì hoặc suy dinh dưỡng.

+ Còi xương: Mặc dù trong sữa chứa rất nhiều canxi nhưng không phải lúc nào trẻ cũng hấp thụ được hết lượng canxi này, do đó có tình trạng nhiều trẻ trông rất bụ bẫm nhưng lại bị còi xương.

Theo đó ba mẹ cần cân bằng lượng sữa cho trẻ uống, thực phẩm cho trẻ ăn đặc biệt là các thực phẩm giàu chất xơ. Bên cạnh đó cần cho trẻ tắm nắng buổi sáng/buổi chiều hoặc bổ sung các thực phẩm giàu vitamin D giúp trẻ nấp thu lượng canxi từ sữa tốt hơn.

Trẻ chỉ uống sữa mà không  ăn cơm cháo sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe, sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.

+ Thiếu máu: Ít mẹ biết rằng, việc lạm dụng sữa sẽ dẫn tới nguy cơ trẻ bị thiếu máu. Đặc biệt, thói quen của một số mẹ Việt khi thấy con biếng ăn, thích uống sữa nên đã cho con uống sữa thay ăn cho nhanh, gọn. Thực tế, trong sữa có rất ít sắt, nếu mẹ không chú ý bổ sung sắt cho con từ các nguồn thực phẩm như thịt bò, hải sản, cá… chắc chắn sẽ dẫn tới tình trạng thiếu sắt, thiếu máu ở trẻ.

Thiếu máu sẽ dẫn tới nhiều bệnh lý khác, gây ra tình trạng mệt mỏi, kén ăn, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, tuần hoàn máu kém ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ, đặc biệt khi trẻ đang bước vào giai từ 1-3 tuổi – giai đoạn não bộ phát triển nhất.

+ Táo bón: Nguyên nhân gây táo bón ở trẻ một phần là do sữa bột. Bởi sữa bột rất ít chất xơ nhưng lại nhiều chất béo, protein. Uống quá nhiều sữa bột sẽ gây ra tình trạng khó tiêu, chậm tiêu, về lâu về dài dẫn tới tình trạng táo bón nặng.

Các con nên uống mấy ly sữa/ngày?

Tùy vào từng độ tuổi cũng như thể trạng, lượng sữa bé cần nạp vào cơ thể sẽ có sự khác nhau. Bé trong độ tuổi từ 2 – 5 tuổi, ngoài 3 bữa ăn chính, mỗi ngày bé cần uống từ 650 – 800ml sữa. Đó có thể là sữa tươi hoặc sữa công thức, tùy theo sở thích của bé cũng như điều kiện kinh tế của gia đình.

Nếu hiện tại, bé uống lượng sữa ít hơn tiêu chuẩn, các mẹ có thể cho con ăn thêm sữa chua hoặc váng sữa bù vào.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý là phải cân bằng các bữa cơm cháo với sữa, hoa quả…

Các mẹ cũng cần lưu ý thêm rằng trẻ dưới 1 tuổi không nên cho dùng sữa tươi vì hệ tiêu hóa trẻ còn yếu chưa thể hấp thụ hết chất dinh dưỡng và dễ gây ra rối loạn tiêu hóa. Không pha sữa bột với nước trái cây, nước cháo, nước hầm xương… mà chỉ được pha với nước ấm, vì các loại nước khác sẽ làm mất cân bằng dinh dưỡng trong sữa bột.

Chỉ nên cho trẻ uống sữa sau bữa ăn chính khoảng 1 giờ hoặc cách bữa ăn khoảng 2 tiếng. Cho bé uống đúng lượng cần thiết, dựa vào thể trạng cũng như độ tuổi.

Cuối cùng, dù bận rộn tới mức nào, các mẹ cũng nên dành thời gian chuẩn bị bữa ăn ngon lành và đủ dưỡng chất cho con. Để giảm tải sự vất vả, các mẹ có thể tập cho bé thói quen ăn thô sớm và ngồi ăn cùng cả gia đình.

Nguồn : bau.vn