Nấu bột ăn dặm cho bé và những lưu ý mẹ cần biết

Cách làm bột cho trẻ ăn dặm tưởng chừng như rất dễ nhưng lại là vấn đề lớn với không ít các bà mẹ. Việc gặp khó khăn trong quá trình cho trẻ ăn dặm thường thấy

Cách làm bột cho trẻ ăn dặm tưởng chừng như rất dễ nhưng lại là vấn đề lớn với không ít các bà mẹ. Việc gặp khó khăn trong quá trình cho trẻ ăn dặm thường thấy: làm món gì cho bé, làm món ăn dặm như thế nào để đủ dinh dưỡng cho bé, tại sao bé không hưởng ứng những món ăn mẹ nấu…..và còn rất nhiều băn khoăn khác liên quan đến vấn đề này. Tuy nhiên, có một chìa khóa để giúp mẹ giải quyết được những khó khăn gặp phải khi cho bé ăn dặm là, luôn ghi nhớ những lưu ý cơ bản trong cách làm bột cho trẻ ăn dặm. Vậy những lưu ý đó là gì? Mẹ hãy cùng Yeutre.vn tìm hiểu chi tiết hơn qua nội dung dưới đây.

Nên chú ý việc lựa chọn nguyên liệu trong cách làm bột cho bé ăn dặm – Ảnh Internet

1. Căn cứ biểu hiện để biết bé đến tuổi ăn dặm & chọn thời điểm bắt đầu ăn dặm của trẻ đúng lúc

1.1 Biểu hiện muốn ăn dặm

Biểu hiện của trẻ là cơ sở quan trọng để mẹ bắt đầu giai đoạn ăn dặm cho trẻ đúng lúc, một cách tự nhiên không gượng ép. Sự gượng ép ăn dặm với trẻ khi trẻ chưa thực sự có nhu cầu cũng giống như con dao 2 lưỡi, ban đầu có thể trẻ sẽ hưởng ứng, song sau đó có thể dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn dài hạn, mà mẹ khó có thể suy chuyển tình hình. 

Liên quan đến biểu hiện muốn ăn dặm, thực chất mẹ rất dễ nhận biết, chỉ cần mẹ kiên nhẫn chờ đợi và quan sát con hàng ngày. Nếu các mẹ thấy bé yêu nhà mình có những biểu hiện sau đây thì mẹ hãy khởi động hành trình ăn dặm cho con:

Bé đòi bú nhiều hơn bình thường mặc dù mới bú cách đó không lâu, hoặc bé thường khóc đêm và đòi bú.

Bé mút tay, nhìn người lớn ăn.

Bé hứng thú khi thấy bố mẹ mớm thức ăn cho bé.

Mút tay là dấu hiệu chứng tỏ bé đến tuổi ăn dặm – Ảnh Internet

1.2 Thời điểm khởi động quá trình ăn dặm đúng lúc

Bất cứ việc gì cũng có thời điểm vàng của nó và việc trẻ ăn dặm cũng vậy. Chọn thời điểm đúng lúc để khởi động quá trình ăn dặm chính là tiền đề quan trọng nhất, trước khi mẹ bắt đầu phải lo lắng đến cách làm bột cho trẻ ăn dặm như thế nào.

Mỗi bé bắt đầu giai đoạn ăn dặm không giống nhau, có bé 5 tháng tuổi đã có những phản ứng rất rõ ràng về việc được ăn thêm thức ăn khác ngoài sữa mẹ. Cũng có bé chỉ đến khi 6-7 tháng mới thật sự hào hứng với việc ăn thêm ngoài sữa mẹ. Như vậy, khi quan sát biểu hiện muốn ăn dặm của bé đã trở thành bức thiết, thì đây có thể được xem là thời điểm vàng, chính là lúc mẹ bắt đầu quá trình cho con ăn dặm một cách thật bài bản. 

Mẹ cũng cần ghi nhớ rằng, thời điểm bắt đầu ăn dặm luôn luôn được các chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh, nên bắt đầu cho con ăn dặm từ sau 6 tháng, để đảm bảo 6 tháng đầu đời của bé được bú mẹ hoàn toàn. Trước đó nếu bé đã có biểu hiện muốn ăn thêm, mẹ có thể tăng cường số lần bé bú, để bảo đảm bé nhận đủ dinh dưỡng cần thiết và không bị đói. 

Căn cứ biểu hiện và chọn đúng thời điểm để bắt đầu ăn dặm có thể được xem là nút thắt đầu tiên được gỡ, giúp mẹ giảm tải được những khó khăn có thể gặp phải, khi làm bột cho trẻ ăn dặm ở những tháng sau đó. 

2. Một số lưu ý cơ bản trong cách làm bột cho trẻ ăn dặm

2.1 Cách chọn nguyên liệu

Chọn nguyên liệu tươi sạch, biết rõ nguồn gốc xuất xứ. Không dùng nguyên liệu cũ, gần hết hạn sử dụng, không tươi nguyên,….

Nhu cầu ăn dặm của trẻ ngay cả khi đã tăng về lượng, thì nguồn nguyên liệu mẹ cần sử dụng để chế biến món ăn cho trẻ là rất ít. Do đó, hãy luôn bảo đảm về việc chọn nguyên liệu tươi nguyên, sạch và an toàn nhất cho con. 

2.2 Cách chế biến

Cách làm bột cho trẻ ăn dặm cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kỹ lưỡng của mẹ. Khi chế biến thức ăn cho con, dù là món ăn đơn giản nhất đi chăng nữa, mẹ cũng hãy chú tâm và đừng làm qua loa. Có thể mẹ không ngờ tới, song vị giác của bé lúc này đã cực kỳ tốt, có thể cảm nhận được ngon dở, dù bột ăn dặm cho trẻ đôi khi chế biến chỉ có đôi ba loại nguyên liệu. 

Một điểm lưu ý rất quan trọng trong cách làm bột cho trẻ ăn dặm là mẹ cần theo các nấc: từ lỏng đến đặc, từ nghiền nhuyễn đến tăng độ hạt thô, từ ngọt đến mặn, từ mùi vị nhẹ tăng dần đến độ mạnh và có mùi tanh,….

Thức ăn của bé, mẹ cần hạn chế việc chế biến sẵn lượng nhiều và để dùng dần, nếu không chắc chắn về cách bảo quản đúng. Hãy cố gắng chế biến bột tươi nguyên nhất có thể cho con. 

2.3 Cân đối dinh dưỡng và xây dựng thực đơn khoa học

Cân đối dinh dưỡng trong 1 bát bột ăn dặm là một trong các yếu tố quan trọng, góp phần giúp bé phát triển toàn diện về thể chất lẫn trí tuệ. Dinh dưỡng cân đối là sự phù hợp hài hòa của các thành phần nguyên liệu được mẹ kết hợp trong món ăn.

Nguyên tắc trong chế biến bột ăn dặm cũng nhất thiết cần tuân thủ có sự hiện diện đầy đủ của 4 nhóm dinh dưỡng: bột đường, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. 

Khi mẹ đã có thói quen lưu tâm đến sự cân đối dinh dưỡng, hãy thực hiện bước tiếp theo là lên thực đơn kỹ lưỡng cho trẻ. Thực tế, khi mẹ đã nắm rõ dinh dưỡng như thế nào là cân đối, thì việc xây dựng thực đơn cho bé là một bài toán cực kỳ đơn giản. 

Đa dạng hoá trong bữa ăn bổ sung của bé, đây cũng chính là phương pháp tô màu bát bột, làm cho bát bột của trẻ có màu sắc sinh động của các loại thực phẩm:

+) Màu xanh của rau (rau muống, rau ngót, rau cải, rau dền…).

+) Màu vàng của trứng, cà rốt, bí đỏ và các loại thức ăn có màu vàng, màu da cam.

+) Màu nâu của thịt, cá, tôm, cua, lươn, nhộng, lạc, vừng…

Điều này vừa có thể thay đổi khẩu vị, lại vừa kích thích thị giác của bé, giúp bé ăn ngon hơn.

Đa dạng hóa bữa ăn dặm giúp bé ăn ngon hơn – Ảnh Internet

3. Hướng dẫn cách làm bột cho trẻ ăn dặm tiêu biểu

3.1 Cách làm bột trứng sữa chua cho bé ăn dặm vị ngọt

Nguyên liệu

– 1/2 lòng đỏ trứng, 2 thìa sữa chua

– 1 thìa bột gạo, 1 bát nước hầm xương

Cách làm

– Mẹ đem lòng trứng cho vào bát và đánh tan.

– Sau đó, mẹ tiếp tục cho bột gạo vào nước hầm xương và nấu chín.

– Khi bột chín, mẹ cho lòng trứng vào đảo đều, nấu cho đến khi chín thì tắt bếp.

– Mẹ múc ra bát, khi bột nguội mẹ cho thêm sữa chua vào và cho bé thưởng thức.

Các mẹ nên bắt đầu cho bé ăn dặm với bột vị ngọt – Ảnh Internet

3.2 Cách làm bột trái cây rau củ cho bé ăn dặm vị ngọt

Nguyên liệu

– 30 g khoai lang/ cà rốt/ bí ngô/ táo/ lê

– 1 thìa bột gạo, 1 bát nước hầm xương/ nước luộc rau củ, trái cây.

Cách làm

– Mẹ hấp hoặc luộc chín khoai/ cà rốt/ bí ngô/ táo/ lê; nghiền nhuyễn.

– Cho bột gạo vào nước hầm xương/ nước luộc rau củ trái cây và nấu chín.

– Khi bột chín, mẹ cho nguyên liệu đã nghiền nhuyễn trước đó vào, trộn đều. 

– Mẹ múc ra bát, khi bột nguội bớt, mẹ cho bé thưởng thức. Mẹ có thể thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức ( nếu bé có uống sữa công thức), để điều chỉnh độ đặc/ lòng cho phù hợp với bé. 

3.3 Cách làm bột cho bé ăn dặm vị mặn

Nguyên liệu

– 30g (tôm, cua, cá) hải sản/ lươn

– 25g bột gạo

Cách làm:

– Bước 1: Với tôm, mẹ chỉ cần bỏ vỏ, rút chỉ đen trên lưng; cá đánh vẩy, đem hấp chín là được; lươn hấp chín chỉ lấy thịt (bỏ da).  

– Bước 2: Lấy phần thịt hải sản đem xay hoặc mẹ dùng rây để rây cho mịn.

– Bước 3: Cho bột gạo vào nấu chín khoảng 10 phút, sau đó cho thịt hải sản vào đảo đều tới khi bột sánh mịn. Mẹ có thể rắc một chút ngò để bột của bé thơm hơn.

Như thế là bé đã có những bữa ăn dặm thơm ngon, đầy đủ dưỡng chất rồi đấy! Tuy nhiên, các mẹ hãy lưu ý rằng, với hải sản, mẹ nên cho bé ăn ở độ tuổi 7 tháng trở lên, lúc này, đa phần các bé đã quen với việc ăn dặm và có thể bắt đâu trả nghiệm những mùi vị mới.

Một lưu ý khác là, lần đầu cho bé ăn hải sản thì chỉ nên cho bé ăn ít và theo dõi xem con mình có bị dị ứng với hải sản hay không.

Vị mặn thường làm bé cảm thấy khó thích ứng hơn là vị ngọt. Vì thế, mẹ nên kiên nhẫn cho bé tập ăn từ từ và đừng cố ép bé nhé.

Các mẹ có thể đổi vị cho bé với bột ăn dặm vị mặn – Ảnh Internet

Cách làm bột cho trẻ ăn dặm với sự tuân thủ những lưu ý cơ bản như Yeutre.vn đã đề cập ở trên, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả nhất định cho sức khỏe của trẻ. Bước vào giai đoạn bắt đầu ăn dặm, nhu cầu dinh dưỡng của con cũng tăng dần để phát triển chiều cao, cân nặng và thúc đẩy sự phát triển của não bộ. Vậy nên, các mẹ cần cho trẻ ăn uống hợp lý bằng việc bổ sung bột ăn dặm cho con đúng cách. Chúc các mẹ chăm con thật tốt.

Nguồn : bau.vn