Làm gì khi trẻ “cuồng chân” vì suốt ngày ở nhà tránh dịch Covid-19

Cấp mầm non, tiểu học kéo dài thời gian nghỉ học. Kéo theo đó, ngoài việc đau đầu sắp xếp thời gian trông trẻ tại nhà, nhiều bậc phụ huynh còn căng thẳng trước việc cho trẻ làm gì để đỡ chán và "cuồng chân”.

 Những trò chơi, hoạt động siêu đơn giản giúp trẻ thỏa sức vui chơi tại nhà


Trong bối cảnh nhiều bạn nhỏ phải nghỉ học ở nhà nhiều ngày, nỗi lòng chung của rất nhiều phụ huynh đó là làm gì giúp con vượt qua “sự chán nản” bị ở nhà kéo dài này bằng những trò chơi hay hoạt động hữu ích. Những thiết bị thông minh như tivi, ipad, điện thoại chỉ giúp con trẻ giải trí trong một thời gian ngắn, tuy nhiên đây không phải là biện pháp lâu dài.

Hãy thử áp dụng những “bí kíp” dưới đây, vừa dễ dàng thực hiện tại nhà, vừa giúp trẻ tránh xa thiết bị công nghệ, vừa giúp phát huy trí sáng tạo tuyệt đối đấy nhé.

Cùng con tham gia các trò chơi vận động nhẹ nhàng tại nhà


Trẻ nghỉ học lâu, lại phải quanh quẩn ở nhà thì rất dễ nhàm chán. Đặc biệt, việc bị hạn chế ra ngoài sẽ khiến trẻ thêm ì, cơ thể thêm chậm chạp. Chính bởi vậy, cha mẹ hãy cùng con tham gia các hoạt động vận động càng nhiều càng tốt. Tùy vào lứa tuổi của bé mà mẹ xây dựng những trò chơi phù hợp, tận dụng những dụng cụ có sẵn trong nhà như các trò chơi với băng dính, bóng bay, trò chơi săn lùng các đồ vật…

Việc vui chơi, hoạt động thể chất sẽ giúp bé giải phóng năng lượng, hứng thú với những ngày nghỉ lại có thể học hỏi được nhiều điều về tính tự chủ, sáng tạo trong từng trò chơi.

Dạy trẻ vẽ, tô màu, làm đồ chơi thủ công


Tô màu – một hoạt động tưởng như khá bình thường và phổ biến lại là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển ở trẻ nhỏ. Đây cũng là một trong những trò chơi tiêu khiển yêu thích nhất của trẻ. Việc tô vẽ sẽ đưa trẻ đến thế giới của trí tưởng tượng và thể hiện được tính cách qua từng nét vẽ.  Hãy cho các con những tờ giấy vẽ in hình hoạt hình mà các bé thích như nhân vật hoạt hình, con vật yêu thích,… các bé sẽ dành hàng giờ để tô vẽ những bức hình sinh động.

Ngoài ra cha mẹ có thể cùng con làm những đồ chơi handmade tận dụng từ những vật dụng trong gia đình hay những tấm thiệp xinh xắn để trang trí cho nhà cửa.

Nặn bột tạo hình


Với công thức gồm 2 phần bột + 1 phần muối + 1 muỗng canh dầu ăn, trộn đều, đổ từ từ nước đun sôi vào, khuấy đều, trộn lên cho tới khi được hỗn hợp với độ mềm vừa phải. Công thức bột nặn này vô cùng đơn giản với những nguyên liệu có sẵn tại nhà. Nếu có màu nước thì bố mẹ có thể nhỏ vào tạo màu.

Sau đó bạn có thể cho bé thêm đũa, hoặc ống hút, … để làm cây nặn hình trên que như nặn tò he vậy.

Khuyến khích trẻ chơi các đồ chơi tương tác, giúp phát triển kỹ năng


Ngày nay đồ chơi không chỉ đơn thuần là những món đồ giúp con trẻ giải trí và vui chơi mà còn là những “giáo cụ” giúp bé phát triển kỹ năng, giác quan, cảm xúc…Những món đồ chơi truyền thống hay đồ chơi tương tác trông thì rất đơn giản nhưng lại có thể khiến trẻ buộc phải suy nghĩ và hình thành nên cách chơi, những mối liên kết, sự sáng tạo riêng của cá nhân. Tùy theo độ tuổi và giới tính của trẻ mà đó có thể là búp bê, đồ chơi vải mềm, ô tô, bộ xếp hình, mô hình…

Đặc biệt, nếu lo sợ con trẻ bị đồ chơi điện tử gây ảnh hưởng tới sức khoẻ thì việc sử dụng các đồ chơi tương tác, đồ chơi truyền thống sẽ là giải pháp tối ưu cho phụ huynh.

Đọc sách


Đây chính là hoạt động dễ thực hiện và đem lại nhiều lợi ích nhất cho trẻ mà các phụ huynh không thể bỏ qua. Việc đọc sách không chỉ giúp con trẻ giải trí, học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích mà còn giúp tình cảm giữa cha mẹ và con cái thêm gắn kết nếu phụ huynh dành thời gian đọc sách cùng con…Chưa kể hiện nay trên thị trường có rất nhiều thể loại sách hấp dẫn, phù hợp với mọi lứa tuổi, giúp phụ huynh lẫn trẻ có thể lựa chọn theo sở thích và yêu cầu riêng.

Cùng nhau làm việc nhà


Tại sao phải tìm kiếm đâu xa khi chính những công việc hàng ngày trong gia đình như nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa chính là những hoạt động, trò chơi vô cùng hấp dẫn và thú vị với con trẻ nếu cha mẹ biết cách “biến hoá” một chút. Ví dụ như nghe công dụng đoán đồ vật, tìm kiếm các đồ vật được giấu trong nhà, phân loại các loại hạt… hay chỉ đơn giản cùng nhau nấu cơm, làm bánh, làm nước ép, nấu ăn, sắp xếp nhà cửa, dọn lại tủ sách, trang trí phòng mới lạ hơn…

Trẻ làm việc nhà không chỉ giảm bớt gánh nặng công việc cho cha mẹ mà còn giúp trẻ có thêm nhiều kiến thức và kĩ năng qua những công việc này. Bạn cũng đừng quên dành tặng con những lời ngợi khen để giúp con thêm hứng thú.

Trẻ nhỏ thường hiếu động, nếu phải ở nhà suốt bé sẽ khó chịu hoặc phản ứng, cũng có trẻ sẽ không thích các trò chơi tại nhà, vì thế, bố mẹ cần phải nhẹ nhàng và nên có những sáng tạo trong các trò chơi để bé không chán.

Triệu Thu/Sức khỏe cộng đồng

https://baosuckhoecongdong.vn/lam-gi-khi-tre-cuong-chan-vi-suot-ngay-o-nha-tranh-dich-covid-19-158858.html

Nguồn : bau.vn