Tâm sự nghẹn lòng của người mẹ chăm con trong phòng chăm sóc đặc biệt

Sinh non chưa bao giờ là trải nghiệm dễ dàng đối với các bà mẹ, đặc biệt là trong những ngày sau sinh, khi con phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt còn bố mẹ thì từng ngày, từng giờ chờ đợi tin tức

Nhìn con ngày một thay đổi, khỏe mạnh hơn, mạnh mẽ hơn để sống thay phần những chị em của mình, tôi đã có cái nhìn khác về cuộc sống.

Sinh non chưa bao giờ là trải nghiệm dễ dàng đối với các bà mẹ, đặc biệt là trong những ngày sau sinh, khi con phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt còn bố mẹ thì từng ngày, từng giờ chờ đợi tin tức. Gần đây, một đoạn tâm sự dài của bà mẹ sinh non 3 bé và phải trải qua hơn 4 tháng nuôi con trong bệnh viện đã khiến nghìn người nghẹn lòng.

“Khi một y tá đẩy tôi vào trong căn phòng đó, tâm trí tôi vẫn như trên mây. Cơ thể tôi yếu ớt đến mức không đi được nhưng vẫn nghe rõ từng lời thì thầm xót thương của những cô y tá ở góc bên kia hành lang. Chúng tôi bước vào một căn phòng với ánh sáng màu xanh mềm mại và thật nhiều chiếc hộp kính lấp lánh. Y tá đẩy tôi đến gần hơn và nói: “Hai bé đó là con của chị, hãy đến ngắm con đi”. 

Từ khi biết mình mang thai ba, tôi đã biết trước các con sẽ chào đời sớm nhưng không ngờ mọi thứ lại diễn ra theo hướng này. Những gì tôi mong đợi không phải là một chặng đường tràn ngập đau buồn cho cả gia đình như thế này. 

Tôi vẫn nhớ như in mình đã rụt rè thế nào khi lần đầu chạm vào con.

Tôi đã nghe nói nhiều lần đến phòng chăm sóc đặc biệt và biết chắc con mình sẽ phải vào đó nhưng cuối cùng lại không phải tất cả. Sau khi chào đời ở tuần thứ 22, Abby, đứa con tội nghiệp bé bỏng của tôi đã không thể đến đó. Phổi của con kém phát triển và con quá yếu để bước tiếp chặng đường cùng hai em. 

Khi đó, cơ thể tôi bị sốc nhiễm trùng và được đi cấp cứu. Vài tiếng sau, tôi tỉnh lại trong phòng hậu phẫu. Người đầu tiên tôi nhìn thấy là chồng mình và anh ấy đã chia sẻ nhưng tin tức tôi không bao giờ muốn nghe. Chỉ hai trong ba đứa con bé bỏng của tôi được chăm sóc trong căn phòng màu xanh đó, Abby đã ra đi mãi mãi.

Đến tận hai ngày sau, tôi mới có thể đến thăm Parker và Peyton. Khi nhìn con qua chiếc lồng kính, đôi mắt tôi nặng trĩu và những giọt nước cứ thế chảy ra. Hai con đang nằm đó, dây và ống bao phủ chằng chịt trên làn da nhợt nhạt. Y tá mở lồng ra và cho phép tôi đưa tay vào trong nhưng tôi lại ngần ngại. Tôi tự hỏi liệu một cái chạm nhẹ nhàng của mình có thể làm tổn thương cơ thể nặng chưa đến 500g của các con hay không. Tôi ngước nhìn chồng mình và anh ấy lặng lẽ gật đầu, đẩy ngón tay tôi vào trong và đó là lần đầu tiên con tôi được chạm vào mẹ. Khoảnh khắc đó sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí tôi. 

Vì không được ôm con nên tôi không dám nghĩ mình đã làm mẹ.

Lần đầu làm cha mẹ, cả tôi và chồng đều không có kinh nghiệm chăm sóc một đứa bé sinh non. Chúng tôi chỉ biết ngồi cạnh những chiếc lồng kính hàng giờ đồng hồ, nhìn chằm chằm vào các con, đôi khi nói chuyện hoặc đọc sách cho chúng nghe. Những tuần đầu tiên thực sự là một thử thách. Trái tim tôi đau nhói mỗi ngày. Với hai đứa con nhỏ bé nằm trong phòng bệnh và một đứa đã qua đời, tôi không cảm nhận được cảm giác làm mẹ. Tôi không thể ôm con, chúng cũng quá nhỏ để bú sữa của tôi. Mỗi sáng thức dậy tôi đều nín thở xác nhận xem con có chịu đựng được qua đêm vừa rồi không.

Lần đầu tiên ôm con là kỉ niệm tuyệt vời nhất với tôi. Sáu cô y tá đứng xung quanh hỗ trợ khi tôi ấp con. Trong suốt vài tuần sau đó, hai vợ chồng tôi được học cách nuôi và chăm sóc các con theo cách riêng. Ngoài việc thay tã, pha sữa như bao ông bố bà mẹ khác, chúng tôi được học cách xác định nhiệt độ của con và quan sát hàng loạt các màn hình theo dõi. 

Lần đầu tiên ôm con vào lòng là kỷ niệm tuyệt vời nhất của tôi.

Nhưng không lâu sau, chúng tôi mới biết cuộc sống trong phòng chăm sóc đặc biệt có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Chúng tôi đã phải đưa ra các quyết định y khoa khó khăn. Chúng tôi đã ký các giấy tờ cho các ca phẫu thuật, cho phép truyền máu và tin tưởng bản năng của mình vì bác sĩ nói rằng họ không thể quyết định thay. 

Và sau 55 ngày, chồng tôi và tôi đã phải đưa ra quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời, một điều tôi ước ao không có cha mẹ nào phải làm. Sau gần hai tháng, chúng tôi đã phải ôm cậu con trai bé nhỏ Parker và để con ra đi trong vòng tay mình. 

Dù đau đớn đến mấy, chúng tôi cũng phải cố gắng bước tiếp, gửi gắm niềm hy vọng vào đứa con cuối cùng, Peyton. Chính con đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả hai vợ chồng tôi khi yếu đuối nhất. 

Qua tuần rồi đến tháng, tôi được chứng kiến sự thay đổi diệu kỳ của cô con gái bé nhỏ. Con đã học được cách ăn và lá phổi yếu ớt của con cũng dần được chữa lành. Trong những ngày dài như vô tận này, con cũng đã dạy cho tôi những điều đặc biệt nhất. Con cho tôi biết hãy trân trọng cuộc sống của mình vì sẽ không ai biết được ngày mai ra sao. Nhưng thăng trầm trong phòng chăm sóc đặc biệt đã luyện cho tôi sự kiên nhẫn đặc biệt, rằng có những điều trong cuộc sống luôn nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân mình. 

Peyton bé nhỏ với sức chiến đấu mãnh liệt đã dạy cho tôi những bài học ý nghĩa về cuộc sống.

Sau gần 4 tháng lấy viện làm nhà, chúng tôi cũng có thể ôm các cô y tá và nói lời tạm biệt. Những âm thanh của máy móc, mùi thuốc sát trùng đặc trưng vẫn vương vấn theo tôi về đến tận nhà. Khi bước ra khỏi cánh cửa phòng chăm sóc đặc biệt với Peyton trong tay, tôi biết mình sẽ thay đổi, mình sẽ sống khác sau những tháng ngày đau khổ này. 4 tháng ở đây với đủ loại thăng trầm đã dạy tôi quá nhiều thứ!”

Nguồn : bau.vn