5 thói quen làm việc ảnh hưởng đến sức khỏe

Dưới đây là 5 thói quen xấu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn từ chia sẻ của Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn

Có rất nhiều thói quen thiếu lành mạnh mà chúng ta thường mắc phải trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, hầu hết mọi người không nhận ra rằng họ có những thói quen này. Dưới đây là 5 thói quen xấu có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn từ chia sẻ của Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng Careerlink.vn, một trong những trang web uy tín trong lĩnh vực hỗ trợ nhân sự và tìm kiếm việc làm tại Việt Nam, hãy cùng tham khảo nhé!

Cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất tại Careerlink

1.Cố nén cơn nóng giận

Sếp có thể khiến bạn rất bực mình vào một lúc nào đó, tuy nhiên điều quan trọng là phải học cách đối phó với cơn giận này một cách lành mạnh. Quá nhiều người không biết phải làm gì với cảm giác thất vọng của họ, vì vậy họ cố nén cảm xúc này hoặc “xả” ra với một thành viên trong gia đình khi họ về nhà. Cố nén cơn nóng giận sẽ khiến cảm giác bức bối ngày càng tăng thêm và đến một lúc nào đó nó sẽ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim mạch.

Gợi ý rằng những khi bạn sắp đến điểm “bùng phát” cảm xúc, thì hãy làm điều gì đó khiến bản thân cảm thấy thư giãn. Ví dụ như nghe nhạc, đi bộ vài vòng, hoặc chỉ đơn giản là bước ra khỏi văn phòng và hít thở thật sâu. Tùy vào hoàn cảnh và sở thích mà ta sẽ lựa chọn phương thức hợp lý, nhưng lưu ý không ảnh hưởng đến mọi người xung quanh nhé!

2.Mang việc về nhà

Lần đầu, bạn sẽ mang một số công việc nhỏ về nhà để chuẩn bị cho ngày làm việc hôm sau. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp và sếp yêu cầu bạn thực hiện các công việc quan trọng hơn bởi bạn làm việc hiệu quả và nhanh chóng. Điều này sẽ làm tăng khối lượng công việc đảm nhận và bạn phải mang nhiều việc về nhà hơn để có thể hoàn thành đúng thời hạn. Khi đó, áp lực sẽ ngày càng tăng cao hơn, bạn cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng, thậm chí không thể tận hưởng cuộc sống cá nhân của mình.

Tâm trí và cơ thể bạn cần phải được nghỉ ngơi để có thể hồi phục cho tuần làm việc mới. Cách giải quyết là hãy đặt ra một số mục tiêu cụ thể cần giải quyết trong ngày, và đặt ra cả lịch khóa biểu chi tiết. Điều này giúp bạn tránh lãng phí thời gian “sa đà” vào các việc khó, hoặc không biết sắp xếp theo mức độ ưu tiên, dẫn đến xử lý công việc dang dở và phải mang về nhà.

3.Ngồi quá nhiều

Công việc quá bận rộn đến nỗi bạn không có thời gian để nói chuyện với đồng nghiệp, thậm chí để đi vào nhà vệ sinh hay ăn tại bàn làm việc cũng có thể là mối đe dọa với sức khỏe tinh thần và cơ thể. Ngồi quá lâu trong thời gian dài có thể khiến bạn có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch hoặc bệnh tiểu đường loại 2.

Do vậy, để tránh các bệnh tiềm ẩn này, bạn có thể đặt điện thoại cứ mỗi ba mươi phút sẽ rung lên báo hiệu để bạn đi tới lui hay tập các động tác thư giãn, hoặc luôn để chai nước cạnh máy tính với dòng chữ nhắc nhở. Những thay đổi theo thời gian sẽ tạo cho bạn một thói quen tốt, và từ đây thì bạn sẽ tránh được các hệ lụy không muốn về sau.

4.Dễ dàng nói “có”

Sẽ thế nào nếu đồng nghiệp nhờ vả, sếp yêu cầu và tất cả mọi thứ “lặt vặt” đều được trả lời “có” từ bạn. Tất nhiên, bạn sẽ đối mặt với mệt mỏi, hoặc căng thẳng lo âu vì đảm đương nhiều thứ.

Chứng tỏ năng lực với cấp trên, hoặc chủ động giúp đỡ đồng nghiệp là tốt nhưng mọi việc đều nên có giới hạn. Bạn chỉ có một chừng ấy năng lượng và khoảng thời gian mỗi ngày, cho nên phải biết phân bổ hợp lý. Nếu không thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ ngã quỵ vì làm việc quá sức.

5. Ra về trễ

Một kiểu “nghiện” việc không lành mạnh khác, đó là ra về trễ. Quy định 8 giờ công sở một ngày đã là khoảng thời gian khoa học hợp lý, và kéo dài thêm chỉ khiến cơ thể mệt mỏi. Điều này tương tự như việc bạn cố gắng thức khuya qua 10 giờ đêm để làm việc, và đồng hồ sinh học sẽ “phản chủ”.Nhiều nghiên cứu cho thấy những người thường rời văn phòng muộn là người không có kế hoạch làm việc cụ thể  hoặc công việc quá tải. Điều này có nghĩa là muốn ra về đúng giờ, bạn nên cải thiện cách quản lý thời gian hoặc thương lượng lại khối lượng công việc với cấp trên hay có thể đăng ký một lớp học sau giờ làm như một động cơ thúc đẩy hiệu quả.

 

Trung Thành

Nguồn : bau.vn