Kiểm soát cảm xúc nơi công sở – 5 điều nên làm để cải thiện

Thử tưởng tượng đồng nghiệp và sếp sẽ đánh giá bạn ra sao khi bạn thường xuyên tức giận hay khóc lóc, vui mừng thái quá chỉ vì những điều nhỏ nhặt? Theo các chuyên gia, kiểm soát cảm xúc nơi công sở là điều cần thiết, bởi nó thể hiện sự chuyên nghiệp của bạn.

Trong bất cứ môi trường nào, đặc biệt là môi trường công sở, việc kiểm soát cảm xúc hiệu quả sẽ giữ cho bạn luôn tỉnh táo, sáng suốt, làm việc hiệu quả hơn, các mối quan hệ với sếp và đồng nghiệp cũng tốt đẹp hơn. Đó cũng là đòi hỏi về hình ảnh một nhân viên công sở chuyên nghiệp trong mắt của các nhà quản lý. Để kiểm soát cảm xúc hiệu quả, bạn nên làm 5 điều sau đây.

Luôn giữ một cơ thể khỏe mạnh

Một cơ thể khỏe mạnh là “tiền vốn” để bạn làm bất cứ việc gì, nhận bất cứ công việc hay dự án nào sếp giao, hoặc có thể đi công tác bất cứ nơi đâu… Cơ thể khỏe mạnh còn là tiền đề để những cảm xúc tích cực tìm đến bạn nhiều hơn, giúp bạn có nhiều năng lượng giải quyết công việc một cách nhanh gọn, thuận lợi. Giữ gìn một cơ thể khỏe mạnh bằng cách tập thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các chất kích thích… bạn sẽ có được một tinh thần thoải mái, vui vẻ. Những phản ứng quá đà của sự nóng giận, vui, buồn, yêu thích đến mất kiểm soát khó có thể phát sinh bởi bạn sẽ kiềm chế, kiểm soát và xử lý cảm xúc tốt hơn.

NTV312-1-600x350

Hãy giải tỏa căng thẳng bằng cách đứng lên đi dạo, uống trà, hoặc dành từ 10 đến 15 phút để vận động, đảm bảo một sức khỏe tốt nhất

Ngược lại, khi bạn ốm yếu dù là cơn đau đầu nhỏ, đau tay, mệt mỏi… mọi cảm xúc của bạn thường có khả năng nhân hóa lên gấp nhiều lần. Bạn sẽ dễ dàng cau có, nóng giận, nếu yếu đuối có thể là chán nản, kêu ca, than phiền ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và ảnh hưởng đến đồng nghiệp, công ty. Lúc này, một mâu thuẫn nhỏ với đồng nghiệp cũng có thể sẽ trở thành xung đột lớn nếu như đồng nghiệp không thông cảm với sức khỏe của bạn. Muốn kiểm soát cảm xúc hiệu quả, lúc này đòi hỏi bạn phải là người có ý chí mạnh mẽ, nguyên tắc.

Cân bằng công việc và cuộc sống

Không phải ai cũng biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Học được cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống là bạn đã biết cách kiểm soát cảm xúc của mình. Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và tìm việc làm CareerLink Việt Nam giải thích, đừng bao giờ đem những cảm xúc do việc cá nhân, gia đình đến công sở và ngược lại bạn nhé. Ví dụ, những cơn cáu giận với con cái, chồng/vợ… theo bạn từ nhà đến công sở sẽ chỉ làm hình ảnh bạn khó gần, xấu xí và hiệu suất công việc bị ảnh hưởng. Vì vậy, biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ giúp bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn.

Suy nghĩ tích cực

Luôn suy nghĩ tích cực sẽ làm cho cuộc sống và công việc của bạn “dễ thở” hơn. Với suy nghĩ tích cực, bạn sẽ sớm tìm ra cách xử lý thích hợp các mâu thuẫn với đồng nghiệp hay những khó khăn trong công việc sẽ được. Những phản ứng từ cảm xúc tiêu cực như cáu giận, to tiếng, la hét… thậm chí “chơi xấu” nhau sẽ không có cơ hội để phát sinh.

2

Khi thất bại hay tuyệt vọng, bạn sẽ dễ dàng chìm đắm vào chúng và cảm thấy bản thân thật kém cỏi. Nhưng hãy luôn nhớ rằng thất bại là một phần của cuộc sống và đừng quên suy nghĩ tích cực.

Ngược lại, nếu suy nghĩ tiêu cực, bạn có thể dồn nén, tích góp từng chút cảm xúc “tệ hại” lại, những mâu thuẫn nhỏ nhặt “góp lại thành bão” biết đâu khi bùng nổ sẽ phá hủy sự nghiệp của bạn.

Luôn nhìn về phía trước

Hiện tại và tương lai mới là điều tất cả chúng ta nên hướng tới. Nếu bạn thất bại, thay vì tuyệt vọng, lo âu, buồn bã, sợ hãi, ủ rũ, than trách, đổ lỗi, thậm chí gây sự với đồng nghiệp… hãy tích cực tìm kiếm những nguyên nhân gây nên thất bại đó, dũng cảm thừa nhận và sửa đổi.

Hãy nhìn nhận sự thất bại như một sự trải nghiệm, một cơ hội để bạn phát triển sự nghiệp tốt hơn trong tương lai. Luôn nhìn về phía trước cũng là cách giúp bạn kiểm soát cảm xúc của mình, tránh bị stress vì áp lực công việc.

Biết cách kết nối và chia sẻ với đồng nghiệp

3

Biết kết nối và chia sẻ với đồng nghiệp là bí quyết để đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực

Giữ mối quan hệ với sếp, với đồng nghiệp tốt đẹp sẽ làm cho không gian làm việc của bạn luôn thoải mái, những cảm xúc tiêu cực “không có đất” để tồn tại. Để có những đồng nghiệp hòa đồng thân thiện bạn cần biết kết nối và chia sẻ công việc với đồng nghiệp cởi mở, chân thành. Đồng thời, bạn nên tránh xa những tính xấu như nhỏ nhen, ích kỷ, bo bo giữ mình hay khôn lỏi, lợi dụng đồng nghiệp, …

Làm tốt được 5 điều trên bạn sẽ khó rơi vào tình trạng mất kiểm soát cảm xúc một cách thái quá nơi công sở. Thành công sẽ sớm đến với bạn.

Ngọc Hà

Nguồn: https://baosuckhoecongdong.vn/kiem-soat-cam-xuc-noi-cong-so-5-dieu-nen-lam-de-cai-thien-158617.html

Nguồn : bau.vn