Nóng các “lò” hàng giả, hàng nhái mùa Tết

Cận Tết, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao cũng là lúc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tìm cách trà trộn, thâm nhập thị trường mạnh mẽ.

Các lực lượng chức năng liên tục ra quân xử lý, tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng ở các thành phố lớn vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến tình hình thị trường, sức khỏe, quyền lợi người dân, an ninh, an toàn xã hội…

Hàng hiệu ruột “Tàu”

Trong đợt kiểm tra cao điểm Tết Nguyên đán 2018, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện hơn 1.900 trường hợp vi phạm về buôn lậu, hàng giả. Trung bình mỗi tuần, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra hàng trăm trường hợp và phát hiện hơn 120 trường hợp vi phạm, xử phạt hàng tỉ đồng. Có tuần số tiền xử phạt hành chính lên đến hơn 4 tỉ đồng. Các trường hợp vi phạm chủ yếu là buôn lậu, hàng không hóa đơn, chứng từ, hàng giả, hàng nhái và hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dịp Tết, nhiều loại rượu ngoại bị làm giả vẫn bán rất chạy.

Các mặt hàng vi phạm nhiều là đồ điện tử, giày dép, quần áo, túi xách, rượu bia, thực phẩm… Các đối tượng vi phạm thường đưa hàng nhái, hàng giả và hàng kém chất lượng trà trộn vào hàng thật tiêu thụ tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ. Đặc biệt, trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán năm nay, cơ quan chức năng đã xử phạt gần 20 tỉ đồng và tiêu hủy lượng hàng hóa gần 60 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần so cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 30/1/2018, Đội Cảnh sát kinh tế CAQ Bình Tân (TP.HCM) phối hợp CAP Bình Hưng Hòa B kiểm tra một căn nhà tại hẻm 257, đường Bình Thành và phát hiện “lò” sản xuất nước hoa giả các nhãn hiệu Chanel, Tommy, Versace, Gucci… Số lượng hàng hóa bị tịch thu gồm 8.848 chai nước hoa giả, hơn 19.000 tem, nhãn, bao bì giả các nhãn hiệu nước hoa trên, 5 can nhựa cồn nguyên liệu sản xuất (tương đương 150 lít), hai thùng hóa chất mùi thơm (tương đương 20 lít), các máy sang chiết, đóng nút… Chủ cơ sở thừa nhận mua hóa chất từ Trung Quốc về ủ cho tăng mùi thơm. Sau đó chiết vào các chai lọ để dán nhãn hàng nổi tiếng bán ra thị trường.

Chi cục QLTT TP.HCM cho biết, ngoài vô số vụ buôn bán thực phẩm lậu, các sản phẩm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, đồ chơi trẻ em, ĐTDĐ, phụ kiện, phụ tùng ôtô, xe máy, máy tính, lực lượng còn phát hiện 9 vụ hàng giả: tạm giữ 72 lít sơn nội thất hiệu Dulux; 551 đơn vị sản phẩm quần áo, đồng hồ đeo tay hiệu Nike, Adidas, Gucci, Polo, Omega, Longines…

Rượu ngoại bị làm giả rất tinh vi.

Cao điểm đấu tranh chống hàng giả

Tại Hà Nội, các địa bàn chợ Đồng Xuân, Ninh Hiệp, phố Nguyễn Sơn, huyện Hoài Đức là những địa bàn có sự phức tạp về hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Chu Xuân Kiên – Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, đủ sức răn đe nên nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm để đạt lợi nhuận lớn. Phương tiện kỹ thuật phục vụ cho lực lượng thực thi công tác đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả còn thiếu nên dù cho lực lượng quản lý thị trường đã nỗ lực nhưng vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại.

Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 (từ ngày 15/12/2017 đến ngày 15/3/2018), Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch cao điểm đấu tranh chống các hoạt động trên. Theo đó, Bộ Công Thương đã yêu cầu ngành Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Trong thị trường nội địa, tập trung kiểm tra tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Cần Thơ; Bà Rịa – Vũng Tàu; các thị xã, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm. Đặc biệt, tại các TP.HCM, Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại các điểm tập kết hàng hóa, kho tàng, bến bãi, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối; kiên quyết xử lý tình trạng bày bán hàng giả, thuốc lá ngoại, pháo nổ, thực phẩm kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Nguồn : bau.vn