Căn cứ nào để xử phạt những người ra đường khi không cần thiết?

Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định có đủ cơ sở để xử phạt những người ra ngoài đường khi không cần thiết.

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội chiều ngày 3/4, Trưởng Ban chỉ đạo – Chủ tịch UNBD TP Nguyễn Đức Chung đã đưa ra giải pháp mạnh mẽ về việc ngăn chặn lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona.

Theo đó, Hà Nội đề nghị người dân trong 2 tuần tới, nếu không có việc cần thiết thì không ra ngoài đường. Từ ngày 4/4, thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, trường nào ra đường dù không nằm trong diện được đi ra ngoài sẽ bị xử phạt.

Trước băn khoăn của dư luận về cơ sở xử phạt người ra đường khi không cần thiết, ông Nguyễn Đức Chung dẫn chứng: “Cũng trong chỉ thị (Chỉ thị 16/ct-ttg về việc Cách ly xã hội) Thủ tướng yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Nhiều trường hợp không chấp hành đã bị xử phạt 200.000 đồng, vậy thì những vi phạm tương tự mà chỉ thị đề cập cũng có căn cứ để xử phạt”.

Căn cứ nào để xử phạt những người ra đường khi không cần thiết?

Chủ tịch UNBD TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ngoài các chỉ thị về giải pháp phòng chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, còn có nhiều văn bản Pháp luật khác quy định xử lý việc không thực hiện nghiêm các giải pháp trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Cụ thể, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định: “cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định”.

Đặc biệt, Điều 8 của luật này quy định rõ, người dân bị nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.

5. Phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.

6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.

7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Căn cứ nào để xử phạt những người ra đường khi không cần thiết?

Tùy tính chất và mức độ của hành vi, người vi phạm còn có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 176 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng.

Đặc biệt, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, chủ tịch UBND xã, phường cũng có thẩm quyền xử phạt các trường hợp này.

Ngọc Hà (Theo Kiều Đỗ)

Nguồn: https://baosuckhoecongdong.vn/covid-19-can-cu-nao-de-xu-phat-nhung-nguoi-ra-duong-khi-khong-can-thiet-161266.html

Nguồn : bau.vn